Ngoài tổ chức SHCM trực tiếp tại Trường tiểu học thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên và Trường Tiểu học thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng, toàn bộ hoạt động được kết nối trực tuyến tới trên 30 điểm cầu ở trong và ngoài tỉnh, trong đó 01 điểm cầu đặc biệt đặt tại Bộ GDĐT. SHCM theo NCBH là một trong những hoạt động được Ngành giáo dục Bắc Giang đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Đ/c Vũ Trí Ngư - Trưởng phòng GDTH-CTTT phát biểu ý kiến
Dự SHCM tại điểm cầu Bộ GDĐT có Tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ GDTH, Lãnh đạo và chuyên viên Vụ GDTH; điểm cầu trong tỉnh có Lãnh đạo và chuyên viên Phòng GDTH-CTTT, 07 chuyên gia giáo dục đến từ Nhật Bản; lãnh đạo và chuyên viên phụ trách tiểu học phòng GDĐT các huyện, thành phố và thị xã; các cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các trường tiểu học trong tỉnh.
Sau hợp tác với Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA triển khai mô hình SHCM theo NCBH tại tỉnh Bắc Giang, kể từ năm 2014 Bộ GDĐT đã nhân rộng Mô hình ra các trường học ở Việt Nam. Đến nay, mô hình này là giải pháp quan trọng nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho mỗi giáo viên.
Theo tiến trình làm việc, ngày 22/02/2023, Sở GDĐT tổ chức phát trực tuyến buổi NCBH tại Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên với các hoạt động: (1) Quan sát các lớp học và tìm hiểu việc học của học sinh; (2) Tư vấn, hướng dẫn giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng việc học của học sinh; (3) Dự 01 tiết học và phân tích, suy ngẫm, chia sẻ về tiết dạy đó. Ngày 23/02/2024, Sở GDĐT cùng đoàn chuyên gia tiếp tục làm việc tại Trường tiểu học thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng cũng với các hoạt động tương tự như trên.
Các đại biểu dự giờ, quan sát tiết học
Sau các hoạt động thăm lớp, dự giờ, các đại biểu tiếp tục dự buổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ ý kiến của các cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên gia trong và ngoài nước; PGS, TS. Đỗ Tiến Đạt - Chủ biên Chương trình môn Toán 2018 và TS. Hoàng Mai Lê tại điểm cầu Bộ GDĐT. Các ý kiến đều đánh giá cao chất lượng, hiệu quả của tiết dạy, qua đó giúp cho mỗi đại biểu tham dự học tập được nhiều kinh nghiệm. Các chuyên gia giáo dục Nhật Bản chia sẻ: "Trân trọng cảm ơn Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang đã cho chúng tôi một lần nữa được làm việc tại trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sau một năm quay trở lại, chúng tôi cảm nhận thấy học sinh dường như có điều kiện phát huy các hoạt động học tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi rất ấn tượng với cách tổ chức dạy học của giáo viên, vì đã tạo điều kiện học sinh có cơ hội được tự do thể hiện suy nghĩ, nhận xét và hỗ trợ lẫn nhau. Các em biết lắng nghe, thỏa sức sáng tạo với những điều mà giáo viên định hướng; các em không những tự suy nghĩ, tự làm việc mà còn hợp tác làm việc nhóm rất linh hoạt. Trong quá trình công tác, chúng tôi đã đi rất nhiều quốc gia trên thế giới để học tập, hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, nhưng tôi vô cùng ấn tượng với các tiết học của các bạn ở Việt Nam hôm nay. Dưới sự định hướng của giáo viên, các em hứng thú làm việc nhóm, vô cùng kiên nhẫn và sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ nhau trong quá trình làm việc nhóm. Như thường lệ, trong lớp học thì GV là người có quyền cao nhất nhưng trong các tiết học ở đây, tôi thấy học sinh được giáo viên giao quyền chủ động, các em được phép dẫn dắt, chỉ định và mời các bạn phát biểu ý kiến và phản biện. Chúng tôi thấy đó là một phương pháp rất hay có tính quyết định tới thành công của một tiết học. Trong những tiết học, đôi mắt sáng ngời của các em học sinh cho chúng tôi biết rằng các em thực sự rất hào hứng học tập. Tôi rất muốn khơi lại niềm đam mê hào hứng học tập đó ở học sinh Nhật Bản. Học sinh của Bắc Giang rất biết cách giúp đỡ nhau, các em nhận xét, bổ sung câu trả lời, giảng bài cho nhau rất nhiệt huyết với tinh thần vui vẻ, giúp đỡ, có thể nói đó là một tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm tuyệt vời, điều đó tạo nên môi trường học tập văn minh, hiệu quả, chúng tôi mong muốn sẽ tạo được môi trường học tập như vậy tại Nhật Bản".
Các đại biểu điểm cầu chính suy ngẫm, phân tích tiết dạy
Tiến sĩ Hoàng Mai Lê - Chuyên viên chính Vụ GDTH phát biểu ý kiến từ điểm cầu Bộ GDĐT
Cô giáo Thân Thị Phượng - đại diện cho đội ngũ giáo viên trường tiểu học thị trấn Cao Thượng, đồng thời là người dạy trực tiếp tiết học phát trực tuyến đến các điểm cầu, có đôi lời chia sẻ: "Thật vinh dự cho tôi và các em học sinh lớp 5 trường tiểu học thị trấn Cao Thượng được các chuyên gia giáo dục người nước ngoài và các lãnh đạo Sở GDĐT quan tâm, tạo điều kiện tổ chức buổi SHCM theo NCBH hôm nay, để chúng tôi có dịp được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những phương pháp dạy học hay, qua mỗi đợt SHCM mà Sở GDĐT tổ chức, chúng tôi học hỏi được kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp trong toàn tỉnh tại các điểm cầu chia sẻ. Bản thân tôi xin lĩnh hội các ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia cũng như giáo viên các nhà trường tại các điểm cầu để công việc giảng dạy ngày càng hiệu quả hơn".
Ông Vũ Trí Ngư - Trưởng phòng GDTH-CTTT, Sở GDĐT phát biểu sau đợt SHCM: "Cùng thời điểm này năm 2023, chúng tôi được đón đoàn chuyên gia giáo dục Nhật Bản đến phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật phát giờ học trực tuyến và tổ chức SHCM theo nghiên bài học liên tỉnh, xuyên quốc gia. Sau một năm tiếp thu những kinh nghiệm chia sẻ và những trao đổi mang tính chuyên môn của các Chuyên gia nước ngoài, chúng tôi nhận thấy việc dạy và học của giáo viên và học sinh đã có nhiều mới mẻ và tạo được hứng thú, phát triển tư duy và năng lực người học rất tốt. Những hạn chế của năm học trước đó tại các nhà trường được chỉ ra trong đợt SHCM năm 2023 đã được khắc phục triệt để. Nếu như năm ngoái, chúng tôi còn thấy sự nhút nhát, rụt rè của học sinh và còn có sự lo lắng trên gương mặt của giáo viên, thì năm nay, giờ học cực kỳ sôi nổi, giáo viên đã có phương pháp phát huy tối đa sự chủ động của học sinh. Giáo viên luôn biết làm mới giờ dạy của mình. Trên gương mặt của các em học sinh có sự hồ hởi, phấn khởi, như đang được làm chủ tiết học, được trình bày hết suy nghĩ và chính kiến của mình về câu hỏi mà giáo viên đặt ra, ngoài ra các em còn được nhận xét và bổ sung câu trả lời của nhau. Sự thay đổi này của các nhà trường là một phần lớn nhờ vào hiệu quả của những cuộc SHCM theo NCBH trước đó. Mong rằng qua đợt SHCM trực tiếp kết hợp trực tuyến năm 2024 này, các trường tiểu học trong toàn tỉnh tiếp tục học hỏi, trao đổi và vận dụng các chia sẻ của các chuyên gia để hoạt động dạy và học của nhà trường mình ngày càng tốt hơn. Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang mong muốn trong thời gian tiếp theo, các chuyên gia nước ngoài tiếp tục đồng hành với Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang để hoạt động dạy và học trong các nhà trường được nâng cao, phát huy phẩm chất, năng lực người học ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của Chương trình GDPT 2018".
Đợt SHCM theo NCBH đầu năm 2024 của Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang khép lại với bao ý nghĩa, niềm vui và cảm xúc của những người tham dự. Qua đây mỗi cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học của tỉnh đã học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào công cuộc đổi mới giáo dục ở trường tiểu học hiện nay của tỉnh.
Một số hình ảnh của đợt SHCM: